Sỏi thận là một căn bệnh thường gặp tại Việt Nam, chiếm tỷ lệ khoảng 40% các bệnh lý về đường tiết niệu. Tuy không phải căn bệnh quá nguy hiểm nhưng nếu không chữa trị kịp thời, bệnh không chỉ gây đau đớn mà còn gây nhiều biến chứng rất nguy hiểm như nhiễm khuẩn tiết niệu, viêm đài bể thận, ứ nước, ứ mủ thận, giãn đài bể thận, áp xe thận, mất chức năng thận…. Vậy những đối tượng nào có nguy cơ cao mắc sỏi thận?
6 đối tượng có nguy cơ cao mắc sỏi thận
Người ít uống nước
Những người uống ít nước hoặc bị mất nước nhiều qua đường mồ hôi có nguy cơ bị sỏi thận cao hơn bình thường. Khi lượng nước mất đi nhiều hơn lượng nước bạn bù vào mỗi ngày sẽ khiến nước tiểu đặc hơn, các chất hòa tan dễ kết tinh tạo sỏi. Bình thường, lượng nước tiểu 24 giờ ở người lớn khoảng trên 1,5 lít, do đó khi lượng nước nạp vào cơ thể không đủ khiến lượng nước tiểu giảm, nồng độ tinh thể trong nước tiểu trở nên đậm đặc, chất đọng lại tăng lên dễ hình thành nên sỏi thận và sỏi đường tiết niệu.
Người có thói quen nhịn tiểu
Những người có thói quen nhịn tiểu cũng làm tăng nồng độ các chất hòa tan trong nước tiểu. Nếu bạn có thói quen nhịn tiểu kèm với việc lười vận động, hay ngồi yên một chỗ thì nguy cơ mắc sỏi thận của bạn rất cao. Về mặt bản chất, khi nhịn tiểu không chỉ có bàng quang giãn ra mà các cơ vòng bên ngoài cũng bị kéo căng, điều này xảy ra thường xuyên sẽ rất nguy hại khi các cơ có chức năng giữ bàng quang để tránh nước tiểu rò rỉ ra ngoài. Thói quen nhịn tiểu xảy ra trong nhiều năm sẽ làm bệnh nhân mất khả năng kiểm soát các cơ vòng ngoài bàng quang khiến nước tiểu rò rỉ tạo thành nguyên nhân khởi nguồn cho một chuỗi các bệnh lý tại thận và ngoài thận như nhiễm khuẩn niệu đạo, bàng quang, thận.Bàng quang hạn chế khả năng giữ nước tiểu không những khiến bệnh nhân phải tiểu nhiều hơn mà còn có thể gây bí tiểu, thậm chí trong tình huống nghiêm trọng khi nước tiểu ứ đọng ở bàng quang có thể chảy ngược vào thận dẫn tới suy thận và tử vong. Chính vì vậy để bảo vệ cho chức năng thận, cần chú ý không nên nhịn tiểu lâu dài và khi có bất kỳ dấu hiệu nào cũng nên đến ngay các cơ sở y tế để khám và điều trị.
Những người làm việc trong môi trường nắng nóng
Người lao động làm việc trong môi trường lao động nắng nóng, nhiệt độ cao cũng có nguy cơ mắc bệnh sỏi thận. Nguyên nhân do ra nhiều mồ hôi làm giảm lượng nước tiểu bài tiết qua thận. Thời tiết nắng nóng, oi bức khiến cơ thể tiết ra nhiều mồ hôi, gây mất nước nhiều hơn. Nếu lượng nước bổ sung không đủ sẽ khiến nước tiểu cô đặc, đây là điều kiện thuận lợi để các chất khoáng trong nước tiểu kết tinh với nhau tạo sỏi.
Người có thói quen ăn uống không lành mạnh
Chế độ ăn uống không lành mạnh, nhiều muối, chất đạm là một trong những nguyên nhân chính gây ra bệnh sỏi thận. Những thực phẩm chứa nhiều muối và nhiều chất đạm sẽ làm giảm độ pH nước tiểu, kích thích bài tiết chất canxi và cystine, gây ra sỏi. Ngoài ra, chúng còn làm giảm bài tiết chất citrat, là chất giúp ngăn chặn sự tạo thành sỏi.
Ngoài ra, ăn quá nhiều thực phẩm chứa hàm lượng cao oxalat, canxi như các loại quả hạch, sô-cô-la, nước chè, rau chân vịt, dâu tây, các thực phẩm chứa nhiều uric như lòng lợn, óc động vật… cũng tăng nguy cơ sỏi thận do axit uric, nhất là những người mắc bệnh gút (11% trong số những người mắc bệnh gút bị suy thận).
Người mắc các bệnh rối loạn chuyển hóa
Những người bị rối loạn chuyển hóa uric có nguy cơ mắc sỏi thận gấp đôi người bình thường. Đây là nguyên nhân chính gây tăng urat trong máu và tăng nguy cơ tạo sỏi khi lắng đọng tại thận.
Người bổ sung bừa bãi các thực phẩm chức năng chứa nhiều canxi
Việc sử dụng các TPCN có chứa canxi nếu không đúng cách dễ gây ra sỏi thận, do đó các bác sĩ thường khuyến cáo nên bổ sung canxi thông qua các thực phẩm trong bữa ăn. Điều này giúp giảm thiểu tác dụng ngược của canxi là hình thành sỏi thận.
Trên đây là một số nguyên nhân Accutech Việt Nam liệt kê gây bệnh sỏi thận. Chúng tôi mong rằng qua bài viết này Quý bạn đọc sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích giúp các bạn tránh được căn bệnh này.
Accutech Việt Nam, hân hạnh mang đến những thông tin y học hữu ích cho bạn và gia đình!