Bệnh viện Đa khoa Vân Đình là đơn vị đã thực hiện thường quy kỹ thuật Nội soi tán sỏi ngược dòng, triển khai thành công Tán sỏi thận qua da (PCNL) tư thế nằm sấp. Vậy tư thế này có gì đặc biệt?
BVĐK Vân Đình phát triển kỹ thuật cao trong điều trị
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) Vân Đình tọa lạc tại Thị trấn Vân Đình, huyện Ứng Hòa, Hà Nội. Là một bệnh viện hạng II nhưng các bác sĩ tại đây đã triển khai một số kỹ thuật cao của bệnh viện hạng I, cấp cứu điều trị kịp thời nhiều trường hợp bệnh nặng và phức tạp. Không những vậy, bệnh viện còn không ngừng cải tiến quy trình khám bệnh, thực hiện cải cách hành chính, giảm bớt phiền hà cho người bệnh và nâng cao chất lượng khám bệnh, đặc biệt là cập nhật các phương pháp hiện đại và hiệu quả nhất trong điều trị bệnh như Nội soi tán sỏi ngược dòng, Tán sỏi qua da (PCNL),…
Các tư thế Tán sỏi qua da
Tán sỏi qua da (PCNL) là phương pháp được rất nhiều bác sĩ Tiết niệu trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng chỉ định cho các trường hợp sỏi thận. Với kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ tiến hành xác định vị trí viên sỏi và mở một đường hầm qua da vào thận tiếp cận sỏi. Sau đó, sỏi được tán vụn bằng năng lượng laser và đẩy ra ngoài. Hiện nay, phương pháp này phổ biến với 3 tư thế: nằm sấp, nằm ngửa và nằm nghiêng 90 độ.
Ban đầu, Tán sỏi qua da được thực hiện với tư thế nằm sấp. Tư thế này đã chứng minh mang lại nhiều thuận tiện và hiệu quả như giúp các bác sĩ tiếp cận sỏi đài sau với ít nguy cơ chảy máu nhu mô và ít tổn thương các tạng lân cận. Tư thế nằm sấp cũng dễ dàng để tạo ra các đường hầm đa dạng và tránh làm giảm tầm nhìn do sự đổ sập xuống của các tạng trong ổ bụng. Tuy nhiên, trong tư thế nằm sấp sẽ phần nào gây khó khăn cho các bác sĩ trong việc theo dõi và quan sát hô hấp của bệnh nhân.
Đến năm 1998, tư thế nằm ngửa cải biên ra đời. Ưu điểm của tư thế nằm ngửa so với nằm sấp là giảm được thời gian để chuyển tư thế, giảm các nguy cơ tai biến tim mạch và hô hấp ở các bệnh nhân nguy cơ cao. Tuy nhiên tư thế nằm ngửa khiến vùng chọc dò thận bị giới hạn ở đường nách sau. Vị trí và góc đâm kim cũng bị hạn chế. Việc tiếp cận cực trên thận ở tư thế nằm ngửa khó khăn hơn tư thế nằm sấp. Khi nằm ngửa, thận nằm gần đường giữa và di động nhiều ở khoang sau phúc mạc 104. Tư thế nằm ngửa thích hợp với bệnh nhân có bệnh tim, phổi, béo phì, gù, vẹo cột sống không nằm sấp được khi làm Mini PCNL do nguy cơ cao về hô hấp, tim mạch,…
Tới khi Tán sỏi qua da (PCNL) được triển khai tại Việt Nam, các y, bác sĩ của chúng ta đã sáng tạo ra một tư thế cải biên mới: Tư thế nằm nghiêng 90 độ. Với tư thế này, bác sĩ có thể giảm các nguy cơ tai biến tim mạch, hô hấp ở các bệnh nhân có nguy cơ cao so với tư thế nằm sấp và có thể tạo ra được các đường hầm đa dạng để tán sỏi cũng như hạn chế sự đổ sập xuống của các tạng trong ổ bụng so với tư thế nằm ngửa. Tư thế nằm nghiêng giúp Phẫu thuật viên dễ dàng chọc kim và nong đường hầm, diện tích phẫu trường lớn hơn tư thế nằm ngửa.
Tuy nhiên, trên thực tế mỗi tư thế bệnh nhân khi tán sỏi đều có những ưu và nhược điểm riêng và không có tư thế nào gọi là ưu thế tuyệt đối. Chính vì vậy tùy theo kinh nghiệm của từng phẫu thuật viên cũng như tùy theo từng bệnh nhân cụ thể mà phẫu thuật viên có thể lựa chọn tư thế để tán sỏi phù hợp.
Tại BVĐK Vân Đình, các Phẫu thuật viên vẫn sử dụng linh hoạt các tư thế trong Tán sỏi qua da (PCNL) để tối ưu hóa hiệu quả tán sỏi và tính an toàn trong phẫu thuật. Để được tư vấn MIỄN PHÍ về kỹ thuật Tán sỏi qua da, mời Quý bạn đọc liên hệ với:
– BS CK1 Tiết niệu – Nam học: Nguyễn Thế Thiên, Khoa Ngoại Tổng hợp, BVĐK Vân Đình hoặc
– Fanpage Accutech Việt Nam để được hỗ trợ
Accutech Việt Nam, luôn đồng hành cùng các bác sĩ và bệnh nhân trên cả nước!
(Bài viết có tham khảo báo cáo y học “Kết quả tán sỏi qua da đường hầm nhỏ tư thế nằm nghiêng dưới hướng dẫn của siêu âm” của các bác sĩ Hoàng Long, Trần Quốc Hòa, Chu Văn Lâm, Nguyễn Thị Hằng Trang, Nguyễn Đình Bắc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội)