Tuy ít được nhắc đến nhưng sỏi mật cũng là chứng bệnh đem lại nhiều nguy hiểm đến sức khỏe mà bạn tuyệt đối không thể chủ quan. Những nguyên nhân gây sỏi mật và cách phòng tránh bệnh hiệu quả dưới đây sẽ giúp bạn hiểu thêm về chứng bệnh này.
Bệnh sỏi mật là gì?
Túi mật là cơ quan nhỏ có hình dạng như quả lê nằm ở phía bên phải của bụng vùng dưới sườn bên dưới gan. Túi mật là nơi dự trữ dịch mật, dịch mật này sẽ được tiết vào ruột non để làm nhiệm vụ tiêu hóa thức ăn khi chúng ta ăn uống.
Sỏi mật là bệnh lý xuất hiện khi trong túi mật hoặc ống mật hình thành những viên sỏi với nhiều kích thước khác nhau, kích thước sỏi mật có thể bé hạt cát hoặc to như quả bóng bàn.Đây là bệnh lý lành tính tuy nhiên nó cần được phát hiện kịp thời để tránh những chuyển biến nặng như tình trạng tắc mật và nhiều biến chứng nguy hiểm khác.
Những nguyên nhân gây sỏi mật
Nguyên nhân sỏi mật có thể từ nhiều lí do khác nhau, những lý do tưởng chừng đơn giản đến từ thói quen sinh hoạt hằng ngày cũng góp phần khiến chúng ta mắc phải căn bệnh này:
- Lối sống: Những người ít vận động, béo phì hoặc những người có chế độ ăn nhiều chất béo, cholesterol và ít chất xơ là những người có nguy cơ mắc sỏi mật. Ngoài ra việc giảm cân nhanh trong một thời gian ngắn, đái tháo đường cũng khiến bạn dễ mắc phải bệnh lý này.
- Yếu tố nguy cơ không thể thay đổi: đa phần nữ giới thường có nguy cơ mắc sỏi mật cao hơn nam giới. Người mang thai, người có tiền căn gia đình có sỏi mật, tuổi từ 60 trở lên cũng là nhóm cần được lưu ý.
- Yếu tố nguy cơ sử dụng thuốc: khi sử dụng các loại thuốc làm hạ cholesterol máu, thuốc có nồng độ estrogen cao trong một khoảng thời gian dài cũng là nguyên nhân sỏi mật.
Để phòng ngừa tốt nhất bệnh sỏi mật, chúng ta nên chủ động đến bệnh viện tầm soát sỏi mật bằng cách thực hiện khi khám sức khỏe tổng quát định kỳ mỗi năm một lần, đồng thời chú ý trong việc ăn uống và sinh hoạt để phòng tránh chứng bệnh này.
Triệu chứng bệnh Sỏi mật
Nếu không may mắc phải chứng sỏi mật, cơ thể của bạn có thể xuất hiện những triệu chứng sau. Bạn có thể lưu ý đến sức khỏe bản thân để có thể thăm khám và điều trị kịp thời, phòng tránh bệnh lý chuyển biến nặng:
- Những cơn đau đến đột ngột và thường xuất hiện ở bên phải, ngay dưới xương sườn, giữa hai bả vai hoặc ở vai phải
- Bạn thường xuyên cảm thấy buồn nôn, nôn mửa
- Dễ bồn chồn; đổ mồ hôi nhiều.
- Mệt mỏi, sốt trên 38 độ kèm cảm giác rét, run rẩy, các dấu hiệu rối loạn tiêu hóa.
Khi gặp phải những triệu chứng kể trên, bạn cần lưu ý không nên chủ quan mà cần đến gặp bác sĩ để thực hiện một số xét nghiệm cũng như được thăm khám và tư vấn một cách chính xác nhất về bệnh sỏi mật.
Cách phòng tránh bệnh sỏi mật
Nguyên nhân sỏi mật có thể đến từ thói quen sinh hoạt hàng ngày vì vậy bạn cần có thói quen sinh hoạt lành mạnh cũng như chế độ vận động hợp lý. Những cách dưới đây sẽ giúp bạn phòng tránh bệnh sỏi mật mà bạn có thể áp dụng một cách dễ dàng, nhằm hạn chế tối đa những nguy cơ mắc sỏi mật.
- Hạn chế các chất béo bão hòa
Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa là nguyên nhân làm tăng mức cholesterol trong máu và tăng lượng cholesterol ở gan và dịch mật. Vì vậy để phòng tránh sỏi mật, bạn nên cắt giảm chất béo bão hòa ra khỏi chế độ ăn của bạn.
- Dung nạp những nguồn chất béo tốt
Không phải tất cả các loại chất béo đều gây hại, vì vậy để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể bạn không nên kiêng tuyệt đối chất béo mà nên sử dụng chúng một cách có chọn lọc.Bạn có thể lựa chọn chất béo tốt từ các loại thực phẩm như: dầu ô liu, quả bơ, các loại quả hạt, quả óc chó, quả hạch, các loại cá ( cá hồi, cá ngừ,… )
- Bổ sung nhiều chất xơ
Nhiều chuyên gia đánh giá rằng, những người có chế độ ăn nhiều chất xơ thường ít có nguy cơ bị sỏi mật. Ngoài ra, chất xơ cũng có lợi cho sức khỏe tiêu hóa của bạn vì vậy bạn cần bổ sung những thực phẩm giàu chất xơ trong chế độ ăn uống hàng ngày của bạn.
- Uống nhiều nước và hạn chế rượu bia
Nước đóng vai trò thiết yếu trong cơ thể giúp loại bỏ chất cặn bã, là thành phần cơ bản cấu tạo nên tế bào,… Vì vậy, không cung cấp đủ lượng nước mỗi ngày cũng có thể làm gia tăng nguy cơ mắc sỏi mật.
Ngoài ra bạn cũng nên hạn chế sử dụng rượu bia và những loại thức ăn có cồn. Đồng thời nên xây dựng và duy trì chế độ luyện tập vận động để những hoạt động trao đổi chất trong cơ thể được diễn ra một cách tốt nhất.