CÁC LOẠI SỎI THẬN PHỔ BIẾN VÀ CÁCH NHẬN BIẾT CHÚNG

Sỏi thận là một khối rắn, cứng hình thành do khoáng chất hoặc muối axit kết tinh trong nước tiểu. Dựa vào thành phần hóa học, ta có 4 loại sỏi thận phổ biến như sỏi canxi, sỏi struvite, sỏi axit uric, sỏi cystin với màu sắc, đặc điểm, tính chất khác nhau. 

Các loại sỏi thận phổ biến

Sỏi thận hay còn gọi là sạn thận được hình thành khi các chất hòa tan trong nước tiểu lắng đọng và kết tinh lại thành các tinh thể rắn. Có rất nhiều người bị sỏi thận nhưng không phải ai cũng biết sỏi của mình là loại sỏi gì? Để biết chính xác sỏi của mình là loại sỏi gì, thành phần thế nào thì cần phải đưa viên sỏi đi phân tích hóa học. Tuy nhiên phương pháp này khá tốn kém. Vậy mời Quý bạn đọc cùng theo dõi bài viết sau đây của Accutech Việt Nam để có thể dự đoán xem sỏi thận của mình là loại nào (trong trường hợp bạn tiểu ra sỏi ở nhà) nhé!
Dựa vào thành phần cấu thành nên sỏi, chúng ta có 4 loại sỏi thường gặp như:
• Sỏi canxi: chiếm 60-80% sỏi đường tiết niệu
• Sỏi struvite: do nhiễm khuẩn, chiếm 5-15%
• Sỏi axit uric: do tăng acid Uric máu chiếm 1-20%
• Sỏi cystin: 1-2%
4 loại sỏi thận phổ biến hiện nay

1. Sỏi canxi: gồm hai loại canxi oxalat và canxi phosphat.

– Sỏi canxi oxalat có màu nâu đen, nhiều gai, rất rắn, cản quang rõ ( nhìn trên phim X-quang rõ), gặp ở nam giới nhiều hơn nữ giới.
– Sỏi canxi phosphat, có màu trắng ngà, có nhiều lớp đồng tâm, bở, dễ vỡ, thường có kích thước lớn, cản quang rõ, tỉ lệ gặp ở nam và nữ như nhau.
Sỏi canxi hình thành là do nước tiểu quá bão hòa về muối canxi do tăng hấp thụ canxi ở ruột hoặc tăng quá trình tái hấp thu canxi ở ống thận.
Chế độ ăn uống cũng ảnh hưởng tới nồng độ oxalat. Trong quá trình ăn uống, việc nạp các thức ăn chứa quá nhiều oxalat hoặc ngộ độc vitamin C hay người bị viêm ruột, người từng cắt một phần ruột non, người có tiền sử bị rối loạn chuyển hóa. Một số loại rau chứa hàm lượng oxalat cao như: cần tây, củ cải, rau cải, khoai lang, tỏi tây, đậu xanh, đậu tương, cà tím, ớt, bí, măng tây, đào lộn hột, nho, rau diếp, mận và trà…. cũng làm tăng nguy cơ mắc sỏi thận

2. Sỏi struvite

Sỏi struvite, hay sỏi do nhiễm khuẩn, thường có kích thước to, hình san hô, màu trắng ngà, rắn, cản quang. Tỷ lệ bệnh gặp ở nữ gấp hai lần nam giới. Sỏi struvite chứa các tinh thể magie ammonium photphate xuất hiện do quá trình nhiễm trùng đường tiết niệu kéo dài. Khi đó, vi khuẩn sẽ giải phóng chất khiến cơ thể giảm hòa tan struvite, điều này dẫn đến sự hình thành sỏi.
Biểu hiện thường thấy khi bị sỏi struvite chính là tình trạng bị tắc nghẽn hay nhiễm trùng đường tiểu. Đối với loại sỏi này thường được khuyến khích sử dụng kháng sinh trong quá trình điều trị.

3. Sỏi axit uric

Sỏi khá rắn, thường tròn đều, nhẵn như viên đá cuội, không cản quang ( không nhìn thấy trên phim X quang). Sỏi acid uric hay kết hợp với canxi oxalat, thường gặp ở nam giới cao tuổi.
Những người có nồng độ axit uric trong máu cao dễ có sỏi này. Nguyên nhân hình thành sỏi axit uric là do nước tiểu quá bão hòa axit uric gây nên. Thường thì do chế độ ăn giàu đạm và bệnh gout. Một số trường hợp khác là do béo phì, người bị tiểu đường mà kháng insulin,…

4. Sỏi cystin

Sỏi có màu vàng nhạt hoặc trắng ngà, rắn, cản quang. Sỏi cystin thường kết hợp với sỏi canxi phosphat (apatit), hay gặp ở người trẻ.
Trên đây là các dấu hiệu nhận biết bằng cảm quan và đặc điểm của các loại sỏi phổ biến. Chúng tôi mong rằng qua bài viết này, các bạn có thể hiểu rõ hơn về sỏi thận cũng như biết cách điều chỉnh chế độ ăn hợp lý để tránh sỏi thận bạn nhé!
Mời Quý bạn đón đọc bài đăng tiếp theo để theo dõi nhiều thông tin y học hữu ích hơn từ Accutech Việt Nam.
Accutech Việt Nam hân hạnh mang đến những thông tin y học hữu ích cho bạn và gia đình.

Hãy để lại ý kiến của bạn về bài viết này

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *