I. Triệu chứng
1. Sỏi bàng quang là gì?
Sỏi bàng quang được hình thành do sự lắng đọng các chất khoáng trong nước tiểu, lâu dần chúng kết tinh tạo sỏi. Sỏi bàng quang cũng có thể do sỏi rơi từ niệu quản xuống.
2. Triệu chứng của sỏi bàng quang
Khi có sỏi bàng quang, người bệnh có thể có những triệu chứng sau:
Đau bụng
Bệnh nhân có thể cảm thấy đau bụng dưới âm ỉ hoặc dữ dội, đôi khi cơn đau còn lan xuống bộ phận sinh dục
Tiểu khó
Bệnh nhân có thể gặp tình trạng tiểu khó, tiểu buốt hoặc gián đoạn dòng nước tiểu, tiểu nhiều lần trong ngày. Tình trạng này gây nhiều bất tiện trong cuộc sống thường ngày của bệnh nhân. Dấu hiệu này thường tăng khi người bệnh đi lại, vận động nhiều và giảm khi nghỉ ngơi
Tiểu máu hoặc nước tiểu sậm
Đây là tình trạng nhiễm trùng đường tiểu do sỏi bàng quang. Khi tiểu tiện, những viên sỏi bàng quang nhỏ có thể theo đường nước tiểu ra bên ngoài và cọ xát vào đường tiểu gây chảy máu, từ đó gây ra hiện tượng tiểu lẫn máu.
II. Tác hại
Sỏi bàng quang có nguy hiểm không?
Khi sỏi bàng quang to sẽ gây viêm bàng quang.
Viêm nhiễm bàng quang do sỏi là một biến chứng thường gặp bởi sỏi to làm tổn thương niêm mạc bàng quang, khi co bóp, sỏi cọ xát nhiều lần ,vào niêm mạc gây viêm, loét và nhiễm khuẩn, thậm chí chảy máu
Sỏi bàng quang còn có thể gây nên các biến chứng rất nguy hiểm là viêm thận do nhiễm khuẩn ngược dòng và suy thận. Đây là các biến chứng gây nên không ít khó khăn cho điều trị, ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng
Một số trường hợp sỏi bàng quang to có thể gây bí tiểu hoàn toàn làm nước tiểu ứ lại trong bàng quang, bàng quang căng phồng, tạo nên “cầu bàng quang” ở trên xương mu.
III. Chữa trị, chuyên gia
Điều trị sỏi bàng quang
Điều trị sỏi bàng quang bằng các phương pháp sau:
Nếu sỏi trong bàng quang có kích thước nhỏ thì chỉ cần uống thật nhiều nước để loại bỏ sỏi ra khỏi cơ thể bằng dòng nước tiểu
Trước đây khi sỏi lớn và bị mắc kẹt trong bàng quang, thường bác sĩ sẽ điều trị bằng phẫu thuật mổ mở. Nhưng với sự phát triển của khoa học – kỹ thuật đã có nhiều phương pháp điều trị vừa hiệu quả lại ít xâm lấn: Phương pháp Nội soi tán sỏi ngược dòng.
Tán sỏi ngược dòng là một kỹ thuật không quá phức tạp nhưng mang lại hiệu quả cao. Bằng cách đưa ống kính nội soi qua đường tự nhiên để tiếp cận và tán sỏi, khi thực hiện phương pháp này bệnh nhân hoàn toàn không có vết mổ, tránh được nhiều biến chứng sau phẫu thuật, thời gian hồi phục nhanh hơn nhiều so với mổ mở truyền thống.
Sỏi bàng quang là bệnh gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm. Vì thế bệnh nhân cần đến các cơ sở y tế uy tín, có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại hỗ trợ tốt nhất cho chẩn đoán và điều trị, tránh để bệnh lâu ngày có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.
IV. Cách phòng ngừa bệnh sỏi bàng quang
Để phòng tránh căn bệnh này chúng ta cần bỏ thói quen sinh hoạt xấu để ngừa bệnh với các cách như: giảm lượng natri trong chế độ ăn, uống nhiều nước, không nhịn tiểu quá lâu,….Cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều canxi và các loại thực phẩm có hàm lượng axit oxalic tương đối cao như táo, tỏi, hành tây, cà phê, ca cao, nước chè, không nên uống rượu, cà phê.
Cần duy trì chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe để có sức khỏe tốt, loại trừ các nguy cơ gây bệnh.