I. Triệu chứng
1. Sỏi thận đau ở đâu?
Triệu chứng đau sỏi thận đặc trưng nhất đó là:
– Đau dữ dội, đau quặn thận. Đau sỏi thận thường đau khởi phát từ thắt lưng, ở một bên hoặc cả 2 bên vùng hạ sườn. Sau đó lan dần từ vùng hố thắt lưng xuống phía dưới hay ra phía trước đến hố chậu, đùi, có thể lan sang cả phận sinh dục.
– Đau âm ỉ, nhẹ vùng thắt lưng, hông có thể bạn đã bị sỏi nhỏ hoặc vừa ở bể thận, sỏi nhỏ ở niệu quản.
– Đau kèm theo bí đái, có thể sỏi ở cổ bàng quang hoặc lọt ra niệu đạo.
– Đau khi ngồi lâu, khi thay đổi tư thế đột ngột có thể sỏi thận phát triển thành những viên sỏi to, áp lực lên các khu vực bị ảnh hưởng bởi sỏi thận khiến các vùng mô xung quanh thận cũng bị chèn ép và gây đau.
– Đau co thắt từ bên trong, nằm ở tư thế nào cũng bị đau. Cơn đau thường kéo dài từ 20 – 60 phút, thậm chí là trong vài giờ. Cơn đau thường kèm theo tiểu ra máu, sốt hay ớn lạnh.
Thực tế, khi sỏi thận xuất hiện trong thận, đường tiết niệu sẽ bị kích thích dẫn đến tình trạng co thắt, bóp chặt, làm tắc đường tiết niệu. Đường dẫn nước tiểu bị tắc, nước tiểu không thể bài tiết ra ngoài, từ đó làm tăng áp lực lên vùng bể thận, dẫn đến những cơn đau sỏi thận.
2. Dấu hiệu nhận biết sỏi thận
Đau sỏi thận
Dấu hiệu nào nhận biết đau sỏi thận?
2.1. Buồn nôn hoặc nôn
Buồn nôn và ói mửa có thể là dấu hiệu bị sỏi thận do thận đang bị tắc nghẽn. Niệu quản bị tắc nghẽn một phần hoặc toàn bộ đồng thời ngăn không cho nước tiểu di chuyển đến bàng quang. Những dây thần kinh trong ruột và thận có mối liên quan đến nhau. Khi sự tắc nghẽn ở thận xảy ra, nó có thể ảnh hưởng đến đường tiêu hóa, kích hoạt các dây thần kinh trong đường tiêu hóa, làm cho dạ dày co thắt, khó chịu và làm bạn buồn nôn và ói mửa.
2.2. Đi tiểu nhiều lần
Đôi khi những người bị sỏi thận cảm thấy cần phải đi tiểu nhiều lần, nếu viên sỏi nằm ở cuối niệu quản đầu bàng quang hoặc nằm ở cổ bàng quang thì bạn sẽ thường xuyên có nhu cầu đi tiểu, mỗi lần đi một lượng nhỏ. Khi bạn thường xuyên tiểu tiện nhiều lần, tiểu tiện nhỏ giọt, có khả năng sỏi thận đang đi qua niệu quản. Sỏi thận kích thích bàng quang và khiến bạn có cảm giác tiểu tiện thường xuyên hơn. Nếu sỏi thận to, nó có thể gây tắc nghẽn niệu quản. Nguyên nhân là do viên sỏi kích thích gây rối loạn co thắt cơ trơn bàng quang, tạo tín hiệu buồn tiểu giả.
2.3. Đi tiểu ra máu
Bị sỏi thận gây tổn thương niêm mạc đường tiết niệu sẽ làm chảy máu, khi đi tiểu ra máu bạn có thể thấy nước tiểu có màu hồng hoặc nâu. Nếu sỏi thận gây trầy xước mô, máu có thể trộn lẫn với nước tiểu. Nếu nước tiểu có màu đỏ, hồng hoặc nâu thì bạn nên đi khám bác sĩ kịp thời.
2.4. Sốt và ớn lạnh
Sốt, ớn lạnh đi kèm với các triệu chứng sỏi thận ở nữ giới, thì có thể bạn đã bị nhiễm trùng vì sỏi thận có thể là nơi vi khuẩn dễ dàng phát triển. Đây là một biến chứng nghiêm trọng do sỏi thận gây ra.
2.5. Nước tiểu đục
Khi thấy dấu hiệu này thì khả năng cao bạn đang có sỏi hoặc nằm trong nhóm đối tượng dễ bị sỏi thận – tiết niệu. Nước tiểu đục có thể do quá nhiều chất cặn bã lắng đọng hoặc đang bị viêm đường tiết niệu. Nếu có viêm đường tiết niệu thì nước tiểu đục kèm mùi hôi, còn lắng cặn thông thường thì nước tiểu sẽ không có mùi.
2.6. Đau, rát khi đi tiểu, tiểu rắt
Đau sỏi thận
Đau, rát khi đi tiểu là dấu hiệu của sỏi thận
Thông thường khi sỏi rơi xuống niệu quản hoặc từ bàng quang ra niệu đạo sẽ gây tắc đường dẫn tiểu dẫn đến tiểu khó, buốt. Ngoài ra, viên sỏi cọ vào niêm mạc niệu quản và niệu đạo, gây đau và nóng rát khi đi tiểu. Khi ấy, sỏi kích thích bàng quang và gây nên đau sỏi thận. Viêm nhiễm có thể xảy ra và khiến bạn càng thêm đau rát khi tiểu tiện.
2.7. Vô niệu
Trường hợp sỏi niệu quản có thể gây ra tình trạng vô niệu một phần hoặc hoàn toàn (tình trạng bạn không đi tiểu được). Vô niệu một phần là do viên sỏi gây tắc một bên thận. Trường hợp hiếm gặp là sỏi làm cả hai bên niệu quản co thắt gây vô niệu hoàn toàn. Tình huống này bạn nên đến cơ sở y tế ngay để được giải quyết kịp thời để tránh các tình huống xấu: vỡ thận hoặc suy thận cấp xảy ra.
Trên thực tế, cơn đau sỏi thận thường dễ bị nhầm lẫn với viêm ruột thừa cấp tính, cơn đau quặn gan do sỏi đường mật hay cơn đau dạ dày tá tràng cấp tính. Do đó, khi có những cơn đau quặn ở vùng lưng thì bạn nên đi khám để kiểm tra và chẩn đoán chính xác.
II. Tác hại
1. Tắc nghẽn đường tiết niệu
sỏi thận gây tắc nghẽn đường tiết niệu
Sỏi thận thường xuất hiện ở đài thận, bể thận nhưng chúng sẽ không cố định ở vị trí này mà có thể dần di chuyển theo dòng chảy của nước tiểu rồi đi vào các đường ống hẹp hơn như niệu quản, niệu đạo gây tắc nghẽn đường tiết niệu. Tình trạng này có thể khiến nước tiểu bị ứ đọng tại thận và các vị trí khác gây nên tình trạng thận ứ nước, giãn đài thận, bể thận, niệu quản ứ nước… Đây là những nguyên nhân chính làm cho bệnh nhân thường xuyên bị những cơn đau quặn thận dữ dội tấn công kèm theo tình trạng tiểu rắt, bí tiểu dai dẳng.
2. Nhiễm khuẩn đường tiết niệu
Sỏi thận tồn tại lâu ngày trong cơ thể có thể trở thành nơi trú ngụ của nhiều loại vi khuẩn gây hại. Những vi khuẩn này có thể gây nhiễm trùng thận và lan sang các vị trí khác (đường tiết niệu, bàng quang). Ngoài ra, những viên sỏi kích thước lớn, có cạnh sắc nhọn khi di chuyển sẽ cọ xát vào niêm mạc đường tiết niệu gây tổn thương thận, niệu quản, gây viêm bể thận, xơ thận, teo thận…
Dấu hiệu cảnh báo bạn bị nhiễm khuẩn đường tiết niệu là đau bụng dưới, cảm giác nóng buốt mỗi lần đi tiểu, nước tiểu có màu sắc bất thường (hồng, nâu, đỏ) kèm theo váng và mùi hôi khó chịu.
3. Suy thận cấp tính, mạn tính
Bệnh sỏi thận có nguy hiểm không
Người bị sỏi thận có thể bị biến chứng suy thận, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe
Tình trạng thận bị ứ nước mức độ nặng (độ 2, độ 3) kèm theo bị nhiễm trùng sẽ hủy hoại dần các nhu mô thận, làm suy giảm chức năng thận. Nếu bị suy thận nặng biểu hiện qua chỉ số lọc cầu thận là dưới 10ml/phút đồng nghĩa với chức năng thận không thể hồi phục, lúc này người bệnh cần phải lọc máu nhân tạo hoặc ghép thận để duy trì sự sống.
Người bị suy thận sẽ có các triệu chứng sau: tiểu đêm nhiều lần, nước tiểu có bọt và có lẫn máu, sưng phù chân tay, thay đổi vị giác…
4. Vỡ thận
Vỡ thận là một biến chứng sỏi thận rất hiếm gặp nhưng đặc biệt nguy hiểm, có thể khiến người bệnh tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. Thực tế, vách thận rất mỏng nên nếu tình trạng ứ nước kéo dài kèm theo sưng viêm, phù nề sẽ làm tăng áp lực thận quá mức gây vỡ thận đột ngột. Người bị vỡ thận cần mổ cấp cứu ngay lập tức.
III. Chữa trị, chuyên gia
Các biện pháp chẩn đoán bệnh Sỏi thận
Để chẩn đoán bệnh sỏi thận, có nhiều biện pháp khác nhau, tùy thuộc và tình trạng bệnh bác sĩ sẽ yêu cầu sử dụng phương pháp chẩn đoán thích hợp.
Căn cứ bệnh sử, khám lâm sàng và xét nghiệm nước tiểu để chẩn đoán.
Trong trường hợp cần thiết, bác sĩ sẽ cần kết quả chụp X-quang, siêu âm bụng để phát hiện ra các loại sỏi.
Chụp CT đường tiết niệu là một phương pháp để chẩn đoán sỏi thận và tìm kiếm các rối loạn khác có thể gây ra các triệu chứng tương tự như bệnh sỏi thận.
Với những trường hợp các phương pháp chẩn đoán trên chưa rõ ràng, bác sĩ sẽ làm thêm một xét nghiệm X-quang đặc biệt (pyelogram tĩnh mạch, hoặc IVP).
Các biện pháp điều trị bệnh Sỏi thận
Tùy thuộc vào loại, kích thước sỏi và mức độ nhiễm trùng để có phương pháp điều trị sỏi thận thích hợp.
Với những trường hợp sỏi nhỏ với ít triệu chứng thì có thể điều trị bằng thuốc giảm đau hoặc uống nhiều nước để loại thải sỏi ra ngoài.
Trong trường hợp sỏi có gây đau hoặc tắc/ giảm chức năng thận, dẫn tới chảy máu hoặc nhiễm trùng cần phương pháp điều trị tích cực hơn: kỹ thuật không xâm lấn (tán sỏi ngoài cơ thể), kỹ thuật điều trị ít xâm lấn (nội soi tán sỏi qua da, nội soi tán sỏi thận qua da siêu nhỏ, nội soi niệu quản).
IV. Cách phòng chống
Phòng ngừa bệnh Sỏi thận
Để phòng ngừa nguy cơ mắc bệnh sỏi thận, có thể kể đến các biện pháp sau:
Bỏ qua thói quen sinh hoạt xấu để ngừa bệnh với các cách như: giảm lượng natri trong chế độ ăn; hạn chế thịt đỏ, nên bổ sung các loại protein từ các loại gia cầm; tránh các loại nước ngọt, nước giải khát; không lựa chọn các thực phẩm chế biến sẵn như: bánh mì, khoai tây chiên,các loại phomat; giảm lượng đường trong các bữa ăn.
Sử dụng những thực phẩm tốt cho người mắc bệnh thận. Cần hạn chế thực phẩm chứa nhiều canxi và các loại thực phẩm có hàm lượng axit oxalic tương đối cao như táo, tỏi, hành tây, cà phê, ca cao, nước chè, không nên uống rượu, cà phê.
Cần duy trì chế độ tập luyện thể dục nhẹ nhàng như: đi bộ, đạp xe để có sức khỏe tốt, loại trừ các nguy cơ gây bệnh.