THÓI QUEN NHỊN TIỂU ĐÃ TÀN PHÁ CƠ THỂ BẠN THẾ NÀO

 Với guồng quay công việc và cuộc sống ngày bận rộn và áp lực, chúng ta đã vô tình có một số thói quen ảnh hưởng lớn đến sức khoẻ bản thân, trong đó có thói quen nhịn tiểu. Vậy chúng ta có thể nhịn tiểu tối đa bao lâu? Và việc nhịn tiểu quá lâu có thể gây ra những nguy hại nào? Hãy cùng Accutech tìm hiểu qua bài viết dưới đây.

Thói quen nhịn tiểu liệu có tốt?

Nước tiểu là một chất lỏng vô trùng do thận tiết ra và thải ra khỏi cơ thể qua đường niệu đạo. Quá trình trao đổi chất của các tế bào tạo ra nhiều sản phẩm, có một số thì giàu nitơ như urê hay axit uric và creatinin cần phải loại bỏ khỏi máu và cuối cùng bị tống ra khỏi cơ thể qua một quá trình gọi là tiểu tiện. Các chất hóa học này có thể được nhận dạng và được phân tích bằng phương pháp xét nghiệm phân tích nước tiểu.

Nước tiểu bình thường có màu vàng nhạt hoặc đậm nhất là màu hổ phách. Màu sắc của nước tiểu phụ thuộc vào lượng nước tiểu và thời gian đi tiểu. Nếu uống ít nước, lâu đi tiểu thì nước tiểu sẽ có màu sẫm hơn. Ví dụ nước tiểu vào buổi sáng sau khi ngủ dậy sẽ đậm màu hơn nước tiểu bài tiết trong ngày. Một số bệnh lý có khả năng làm thay đổi màu sắc của nước tiểu như người bị đái tháo đường hay các bệnh về gan mật sẽ khiến nước tiểu có màu trắng đục…

Nước tiểu bình thường sẽ trong suốt. Để lắng đọng một thời gian sẽ xuất hiện một lớp vẩn đục lơ lửng ở giữa hoặc đọng lại ở đáy bình đựng nước tiểu. Việc nước tiểu có lắng cặn xuống bề mặt bình đựng là hoàn toàn bình thường. Đó là các cặn phosphat, urat natri hay axit uric có trong nước tiểu.

Nước tiểu bình thường có mùi khai nhẹ, để lâu trong không khí mùi khai sẽ đậm đặc dần lên do ure trong nước tiểu chuyển hóa thành amoniac. Với một số bệnh lý nhất định, nước tiểu của người bệnh có chứa những chất tạo mùi khác biệt như mùi hôi, mùi aceton. Cần quan sát và theo dõi nước tiểu hàng ngày. Nếu thấy nước tiểu có màu và mùi khác lạ, vẩn đục, xuất hiện bọt khí, đặc sánh hơn bình thường nghĩa là cơ thể đã có những dấu hiệu bất thường, cần đi xét nghiệm nước tiểu để kiểm tra sức khỏe càng sớm càng tốt.

Thói quen nhịn tiểu nguy hiểm thế nào?

Đi tiểu là hoạt động bài tiết giúp đào thải các chất độc hại trong cơ thể ra ngoài. Bàng quang của một người bình thường có mức chịu đựng tối đa khoảng 600ml nước. Khi nước trong bàng quang khoảng 250-300ml thì bắt đầu có dấu hiệu căng giãn, gây cảm giác buồn tiểu. Trên 400 ml thì sẽ có cảm giác rất buồn. Nếu đạt 600ml thì sẽ xuất hiện cảm giác đau tức, khó chịu. Nếu việc nhịn tiểu diễn ra thường xuyên, không những khiến bạn có cảm giác khó chịu mà còn mang đến nhiều biến chứng nguy hiểm như:

 Tiểu dắt

Tiểu dắt là tình trạng người bệnh cần phải đi tiểu rất nhiều lần trong ngày, hoặc vào ban đêm (tiểu đêm), hoặc cả hai, nhưng lượng nước tiểu bình thường hoặc ít hơn bình thường. Thường đi kèm với cảm giác về một nhu cầu cấp bách phải đi tiểu ngay (tiểu gấp). Đối với phụ nữ, nguy cơ tiểu dắt, tiểu không kiểm soát do nhịn tiểu kéo dài cao hơn nam giới. Cấu tạo bàng quang của phụ nữ chỉ có một vòng cơ co thắt (khác với nam giới có 2 vòng cơ thắt), nhịn tiểu lâu sẽ khiến cho vòng cơ mệt mỏi, nhão, từ đó dẫn đến tiểu dắt,…

 Bệnh sỏi tiết niệu “ghé thăm”

Khi nước tiểu không được đào thải kịp thời dễ dẫn đến nguy cơ lắng đọng và kết tinh các chất hoà tan tạo nên sỏi tiết niệu. Sỏi tiết niệu có thể nằm trong nhu mô thận, hệ thống ống góp hoặc di chuyển xuống niệu quản và bàng quang. Trong quá trình di chuyển, sỏi có thể kích thích niệu quản và có thể bị mắc kẹt làm tắc nghẽn dòng nước tiểu gây ứ nước niệu quản và đôi khi ứ nước thận.

 Nhiễm khuẩn đường tiết niệu

Môi trường trong nước tiểu vô cùng thuận lợi cho việc sinh sôi và phát triển của vi khuẩn. Nước tiểu lưu cữu lâu có thể khiến vi khuẩn xâm nhập vào niệu đạo, bàng quang và nghiêm trọng hơn là thận. Do đặc tính cấu tạo sinh lý đường tiết niệu ngắn, nữ dễ bị ảnh hưởng nặng nề của căn bệnh này hơn nam.Một số trường hợp nhiễm trùng không có biểu hiện gì mà chỉ vô tình phát hiện khi xét nghiệm nước tiểu. Đối tượng phổ biến của bệnh thường là phụ nữ trong tuổi hoạt động tình dục, thai phụ, người bị đái tháo đường…

Người bệnh sẽ thấy khó chịu khi đi tiểu tiện như tiểu gắt buốt, tiểu lắt nhắt, cảm giác còn nước tiểu trong bàng quang dù mới đi tiểu. Nước tiểu có màu đục, mùi hôi nồng, có lẫn máu hoặc mủ. Một số trường hợp đi khám vì cảm giác đau hạ vị khi viêm bàng quang hoặc đau vùng hông lưng khi viêm thận – bể thận, áp xe thận. Khi có sỏi ở thận gây ứ nước, nhiễm trùng hoặc áp-xe thận, người bệnh sẽ rất đau khi khám tại vị trí này.

 Nguy cơ viêm tuyến tiền liệt ở nam giới

Với nam giới, nhịn tiểu cũng sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh viêm tuyến tiền liệt gây nên hiện tượng xuất tinh sớm, xuất tinh đau và làm giảm ham muốn tình dục…
Viêm tuyến tiền liệt là tình trạng bệnh lý nhiễm trùng cấp tính hay mạn tính của tuyến tiền liệt, với biểu hiện hội chứng lâm sàng đa dạng. Thường gặp bệnh cảnh lâm sàng là hội chứng đau vùng chậu mạn tính hay những người bệnh phát hiện mà không có triệu chứng lâm sàng điển hình.

 Nguy cơ tử vong

Nhịn tiểu khiến nước tiểu ứ đọng trong bàng quang, lâu có thể gây vỡ bàng quang. Nếu không được phát hiện và phẫu thuật kịp thời sẽ dẫn đến viêm phúc mạc, viêm tấy vùng tiểu khung, viêm xương chậu, xơ hóa khoang sau phúc mạc, thậm chí có thể gây tử vong do sốc.
 Vì vậy, để giữ cho chức năng thận được khỏe mạnh, bài tiết tốt, chúng ta cần uống nhiều nước, không nên nhịn tiểu.
Accutech Việt Nam, hân hạnh đồng hành cùng các Bác sĩ, Bệnh viện và Bệnh nhân trên cả nước.

Hãy để lại ý kiến của bạn về bài viết này

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *