TẾT ĐẾN XUÂN VỀ NGƯỜI BỊ BỆNH THẬN NÊN ĂN GÌ??

Tết đến xuân về, người người nhà nhà quây quần bên mâm cơm gia đình ấm cúng với bao món ăn “thương hiệu” ngày Tết như Bánh chưng, hành muối,… Nhưng đối với những người bị bệnh thận, đây lại là thời gian có nhiều trăn trở: “Mình có ăn được món này, món kia không?” Để có câu trả lời, mời bạn đón đọc ngay bài viết dưới đây của Accutech Việt Nam nhé!

Người bị bệnh thận nên ăn gì ngày Tết?

 Vậy là một năm nữa lại qua, những ngày cuối năm này, người người, nhà nhà đều tất bật hoàn thành những công việc còn dang dở để chuẩn bị đón mừng dịp Tết Nguyên Đán – ngày lễ lớn nhất trong năm của người Việt ta. Nhắc đến Tết, chúng ta nhớ ngay đến những Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh,… những món ăn truyền thống thơm ngon, tròn vị. Nhưng đối với những người bị bệnh thận, việc ăn uống thế nào trong dịp Tết lại là một bài toán khó. Có nên ngoảnh mặt làm ngơ với tất cả hương vị của Tết hay thả sức tận hưởng vì nghĩ rằng cả năm mới có một lần? Mời Quý bạn đọc theo dõi bài viết dưới đây để có thêm thông tin, lựa chọn chế độ dinh dưỡng hợp lý nhất cho mùa Tết.

Bánh chưng, đồ muối chua

 Trong các món ăn ngày Tết, đặc trưng nhất là bánh chưng, bánh tét, bánh này rất giàu năng lượng và có nhiều chất béo, ít có lợi cho sức khỏe nhất là ở bệnh nhân suy thận mạn đã có tăng huyết áp, rối loạn mỡ máu và ở bệnh nhân có hội chứng thận hư có tăng mỡ máu.
Mặt khác, bánh chưng hay được dùng kèm với dưa muối, kim chi, thịt đông,… là những món ăn chứa hàm lượng muối cao, không tốt cho người mắc bệnh thận có kèm thêm tăng huyết áp hoặc bị phù.

Đồ ăn chế biến sẵn

 Sử dụng nhiều món ăn chế biến sẵn có nhiều muối, bột ngọt như giò lụa, giò thủ, lạp xưởng, xúc xích, khô bò, khô mực, … cũng được hiện diện trong bữa ăn ngày Tết của nhiều gia đình. Với những người bình thường, việc tiêu thụ nhiều những thực phẩm thế này đã làm tăng sức ép lên thận, khiến thận phải làm việc nhiều hơn, những người bị bệnh thận có thể bị tăng nguy cơ suy thận. Do vậy, người bị bệnh thận cũng chỉ nên ăn một lượng rất hạn chế. Ví dụ, với giò, chả chỉ nên ăn khoảng 100 – 150g/ngày và có thể ít hơn nữa nếu các bệnh nhân suy thận có kèm theo tăng huyết áp, suy tim hoặc suy thận giai đoạn điều trị bảo tồn chưa phải lọc máu chu kỳ.
 Thức ăn từ phủ tạng của động vật như óc lợn, gan, dạ dày và một số thức ăn như dưa giá, măng, dù là măng tươi hay khô, đều là những thực phẩm làm gia tăng nồng độ acid uric trong máu, nên tránh dùng ở những người bị mắc bệnh thận có tăng acid uric (bệnh goute) đi kèm.

Trái cây – Nước uống

 Trái cây – thực phẩm chứa nhiều vitamin và khoáng chất, rất tốt cho cơ thể. Nhưng với những người đã bị suy thận, ăn nhiều trái cây như cam, chuối, nho, đào, chanh, bưởi, táo… có nguy cơ tăng kali máu. Khi kali máu tăng, bệnh nhân có nguy cơ phải cấp cứu nội khoa, có thể tử vong rất nhanh nếu như tăng kali máu gây rối loạn nhịp tim.
 Nước uống: nên dùng nước đun sôi để nguội. Những người bị bệnh thận nên tham khảo ý kiên của bác sĩ đang điều trị cho mình để có lời khuyên về lượng nước cần dung nạp vào cơ thể mỗi ngày. Nên hạn chế nước đối với những người bị phù nhiều hoặc tăng huyết áp. Tuyệt đối không uống rượu bia, không nên uống các loại nước ngọt có ga vì dễ gây các biến chứng về đột quỵ, nhất là người suy thận có tăng huyết áp.
 Tết là ngày các gia đình đoàn viên, sum vầy bên mâm cơm ấm cúng. Nếu bạn hoặc người thân đang có bệnh về thận, cũng khoan lo lắng. Vì khi có kiến thức, chúng ta vẫn có thể “thưởng” một cái Tết thật đủ đầy. Accutech mong rằng, qua bài viết trên, Quý bạn đọc sẽ có thêm nhiều thông tin hữu ích để vừa khỏe vừa có thể thưởng thức những món ăn thật ngon, thật dinh dưỡng.
Accutech Việt Nam, hân hạnh mang đến những thông tin hữu ích cho bạn và gia đình.
(Bài viết có tham khảo và được tư vấn bởi PGS.TS.BS Đỗ Gia Tuyển, Giảng viên cao cấp Trường ĐH Y Hà Nội)

Hãy để lại ý kiến của bạn về bài viết này

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *