Người thầy thuốc làm rạng danh Y học Việt Nam
Giáo sư Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại tỉnh Thanh Hoá. Năm chín tuổi, Tôn Thất Tùng ra Hà Nội, sống trong nhà Bác sĩ Hồ Đắc Di (lúc bấy giờ là nhà phẫu thuật người bản địa duy nhất trong toàn cõi Đông Dương) để theo học Trường Bưởi, rồi Trường đại học Y.
Thông minh xuất chúng, mới 27 – 28 tuổi, Tôn Thất Tùng đã có công trình được tặng huy chương bạc của Liên hiệp Pháp và huy chương bạc của Đại học Y Paris. Ông trở thành chủ nhiệm Khoa Ngoại Trường Y Hà Nội khi mới 28 tuổi. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã công bố 62 công trình trên các tạp chí y học Pháp ở Paris và ở Viễn Đông.
Ông chính là người đầu tiên nghiên cứu thành công phương pháp “cắt gan có kế hoạch”, còn được gọi là “phương pháp cắt gan khô” hay “phương pháp Tôn Thất Tùng”. Ông là một bác sĩ nổi tiếng ở Việt Nam và thế giới trong lĩnh vực gan và giải phẫu.
Phương pháp Tôn Thất Tùng
Phương pháp này cho phép cắt gan chỉ mất 4-8 phút trong khi, nếu theo phương pháp vẫn được coi là kinh điển mang tên vị giáo sư người Pháp Lortat-Jacob, thì phải mất 3-6 giờ! Sáng chế của Tôn Thất Tùng không phải là do sự “khéo tay”, thay đổi kỹ xảo vụn vặt, như có người lầm tưởng, mà chính là bắt nguồn từ những nghiên cứu cơ bản do anh sinh viên nội trú thuộc dòng dõi hoàng gia này thực hiện trong những năm 1935-1939.
Lần đầu tiên trong y văn thế giới, Tôn Thất Tùng đã mô tả các mạch máu và ống mật trong gan sau khi phẫu tích hơn … 200 lá gan người chết! Chính vì vậy, bản luận văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa của ông mới được tặng huy chương bạc của Liên hiệp Pháp vào năm 1939 và huy chương bạc của Đại học Y Paris năm 1940 (lúc bấy giờ Trường đại học Y Hà Nội là một phân hiệu của Đại học Y Paris).
Suốt cuộc đời, người thầy thuốc Tôn Thất Tùng luôn gắn bó với bệnh viện và bệnh nhân. Ông làm việc không mệt mỏi cho đến tận cuối đời và để lại 123 công trình khoa học có giá trị.
Nguồn: TTXVN, BVNĐTW
Những đóng góp to lớn của người thầy thuốc Tôn Thất Tùng